Tọa đàm: Sinh viên khởi nghiệp cùng Logistics tại Hà Nội
Tiếp nối thành công của cuộc thi "Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2018" nhằm giúp các em sinh viên có định hướng tốt hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp liên quan đến logistics, Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam tổ chức tọa đàm "Khởi nghiệp cùng logistics" tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 16/3 đã được đông đảo bạn trẻ là sinh viên, giảng viên các trường đại học, cao đẳng phía Bắc tham dự.
Logistics là một lĩnh vực kinh doanh có đóng góp rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia. Với một loạt các hiệp định thương mại như TTP, FTA Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.
Đã có nhiều doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực Logistics nhưng cũng ko ít doanh nghiệp đối mặt với thất bại khi không nhận thức được vai trò của công nghệ và con người trong lĩnh vực này. Với các bạn trẻ, Logistics cũng mang nhiều cơ hội khởi nghiệp.
Tọa đàm: Khởi nghiệp cùng Logistics chính là dịp để sinh viên các trường giao lưu, trò chuyện cùng các diễn giả là những người sáng lập hoặc điều hành các doanh nghiệp logistics, chuỗi cung ứng.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm đã chia sẻ cởi mở về các băn khoăn, thắc mắc của các bạn sinh viên trong việc quản trị nhân lực, vai trò của công nghệ, con người cũng như các khó khăn, thách thức khi lập nghiệp, khởi nghiệp, những câu chuyện khởi nghiệp thú vị từ kinh nghiệm và bài học trong khởi nghiệp với những kiến thức, thông tin, kỹ năng bổ ích, lý thú cho các sinh viên.
Nhà quản trị doanh nghiệp, chuyên gia đã khơi dậy niềm đam mê đối với nghề logistics là một nghề còn khá mới mẻ đối với sinh viên, giúp các bạn trẻ nhận thấy rõ hơn những cơ hội cũng như thử thách khi lựa chọn nghề này, đem đến cho các bạn những bài học, kinh nghiệm của người đi trước để có thể chuẩn bị hành trang tốt nhất cho mình khi lựa chọn nghề nghiệp.
Logistics và quản trị chuỗi cung ứng (SCM) đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa. Nó giúp nhà sản xuất nắm bắt được kịp thời và chính xác các nhu cầu của khách hàng, thúc đẩy dòng lưu thông hàng hoá, dòng tiền và thông tin từ nhà cung cấp, nhà máy sản xuất, nhà vận tải, kho bãi qua các kênh phân phối sỉ, phân phối lẻ đến tay người tiêu dùng cuối được thông suốt hơn, giúp giảm thiểu chi phí, thỏa mãn nhu cầu khách hàng và nâng cao mức độ nhận biết thương hiệu của doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của sinh viên về vai trò của công nghệ thông tin trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, giới chuyên gia chia sẻ, hiện nay mỗi ngày có đến hàng trăm ngàn đơn hàng (tương lai có thể lên đến hàng triệu đơn hàng/ngày) đối với nhiều công ty kinh doanh qua mạng thương mại điện tử. Nếu làm thủ công theo kiểu truyền thống thì không thể giải quyết cùng một lúc các đơn hàng khổng lồ như vậy; đó là chưa kể sẽ tạo nên tình trạng hỗn loạn và “vỡ trận”. Cho nên chỉ có thể áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng công cụ công nghệ để quản lý các đơn hàng, bao gồm cả việc xuất nhập khẩu.
Cũng theo các chuyên gia việc xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực Logistics để phục vụ phát triển kinh tế là rất quan trọng và đang được quan tâm. Theo thống kê hiện có ít nhất 300 ngàn doanh nghiệp trong cả nước tham gia vào lĩnh vực Logistics với khoảng 1,5 triệu lao động làm nghề Logistics.
Đây chính là kênh thông tin hữu ích, giúp giảng viên và sinh viên có cái nhìn tổng thể về ngành nghề, lĩnh vực đào tạo Logistics của Nhà trường khi Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chính là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực kinh tế, xã hội, kỹ thuật,...cho cả nước, khu vực và quốc tế.