Phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao tại Hải Phòng
Tại Hải Phòng, chỉ có Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành logistics với năng lực khoảng 300 sinh viên/năm và khoảng 1.000 sinh viên các chuyên ngành gần với ngành này.
Bốc xếp hàng hóa ở cảng dầu khí Đình Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
Thành phố Hải Phòng hiện có gần 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics (dịch vụ tiếp vận) với khoảng 175.000 nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này.
Ngành dịch vụ logistics dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 20-25% mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics hiện tại của Hải Phòng thiếu cả về chất lượng, số lượng; nguồn nhân lực chất lượng cao hiện chỉ đáp ứng khoảng 40-45% nhu cầu của ngành. Điều này đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này ở Hải Phòng.
Thiếu cả chất lượng và số lượng
Theo số liệu công bố trong Sách Trắng Logistics của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) năm 2018, nếu năm 2016, có 22.366 doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam thì đến năm 2018, con số này tương ứng khoảng 30.971 doanh nghiệp, tăng 30%. Trên cơ sở số liệu thống kê này, có thể ước tính quy mô nhân lực trung bình tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khoảng 20 người/doanh nghiệp.
Nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2030 sẽ là khoảng 1,6 triệu người. Nhu cầu lao động logistics cần đào tạo trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng ở mức gần 600.000 người. Do đó, đến năm 2030, cả nước có nhu cầu nhân lực logistics là 2,2 triệu người.
Nhu cầu nguồn nhân lực logistics thành phố Hải Phòng năm 2020 là 274.000 lao động, trong đó có 162.200 lao động đã qua đào tạo; năm 2025 là 369.000 lao động, trong đó có 252.600 lao động đã qua đào tạo; năm 2030 là 460.000 lao động, trong đó có 368.000 lao động đã qua đào tạo.
Mặc dù nhu cầu về nhân lực rất lớn nhưng quy mô về đào tạo nhân lực logistics lại còn quá thấp. Trên toàn quốc, hiện có 30 trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành hoặc chuyên ngành logistics với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 là khoảng 3.000.
Bên cạnh đó, có 32 trường cao đẳng có các chương trình đào tạo logistics và gần với logistics với quy mô hàng năm từ 800 đến 1.000 người học.
[Tìm kiếm giải pháp liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng]
Tại Hải Phòng, chỉ có Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành logistics với năng lực khoảng 300 sinh viên/năm và khoảng 1.000 sinh viên các chuyên ngành gần như Kinh tế vận tải biển, Kinh tế vận tải thủy, Kinh tế Ngoại thương...
Trung tâm Đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong-Nhật Bản tại Việt Nam cũng có khóa đào tạo ngắn hạn, có cấp chứng chỉ trong nhiều lĩnh vực logistics, tuy nhiên, số lượng học viên được đào tạo và trình độ sau đào tạo vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực này tại Hải Phòng.
Tăng trưởng nhân lực
Từ thực trạng nhân lực phục vụ trong lĩnh vực logistics tại thành phố Hải Phòng, phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng các bên (doanh nghiệp-nhà trường-cơ quan quản lý Nhà nước) cùng thống nhất về việc tối ưu nguồn lực và hợp tác trên các lĩnh vực: đào tạo chứng chỉ nghề; chương trình tham quan, kiến tập, thực tập, tập sự nghề nghiệp, tuyển dụng; cuộc thi học thuật, chương trình hướng nghiệp-phát triển kỹ năng; hợp tác đào tạo, học phần nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học, hợp đồng tư vấn chuyển giao; thành lập Quỹ "Học bổng," chuỗi hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các doanh nghiệp đầu ngành, các chuyên gia nước ngoài.
Trong tương lai, các vị trí cần tuyển dụng nhiều gồm: nhân viên khai báo hải quan; nhân viên hành chính logistics; nhân viên giao nhận hàng hóa tổng hợp; nhân viên vận hành kho và nhân viên quản lý kho; nhân viên lái xe tải; nhân viên kinh doanh thương mại điện tử; nhân viên điều hành vận tải; nhân viên công nghệ thông tin. Do vậy, các bên liên quan cần tập trung để phân khúc đào tạo nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng.
Tự đào tạo vẫn là hình thức phổ biến trong năm qua tại các doanh nghiệp. Do khó tìm được nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thực tế nên phần lớn các doanh nghiệp phải tự đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng cho nhân viên theo điều kiện hiện có. Các hình thức tự đào tạo phổ biến tại doanh nghiệp Việt Nam hiện nay bao gồm: đào tạo qua công việc do nhân viên có kinh nghiệm hướng dẫn nhân viên mới, các chương trình đào tạo nội bộ do doanh nghiệp tự xây dựng và mời chuyên gia về đào tạo tại doanh nghiệp...
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Xuân Dương chia sẻ muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, việc đầu tiên phải làm là thu hút được nguồn tuyển sinh đầu vào cho ngành logistics là những học viên có năng lực, điểm số đầu vào cao.
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Hải Phòng. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Thực tế trong hai năm qua, chuyên ngành logistics tại các trường đại học, cao đẳng đều có điểm chuẩn đầu vào cao hàng đầu. Đây là một dấu hiệu tốt, nhưng để tiếp tục duy trì cần nhiều hơn những nguồn đầu tư từ nhà nước và xã hội để tăng tính hấp dẫn của chuyên ngành. Đó là việc có thêm nhiều nguồn học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt, có thêm nguồn hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thêm các chương trình thực tập sinh tại các doanh nghiệp uy tín, có thêm cơ hội tiếp cận với thực tế công việc tại doanh nghiệp trong ngành.
Cùng với đó, các trường đại học cần thay đổi về phương thức, nội dung, chương trình đào tạo. Trước mắt, thành phố Hải Phòng cần đẩy mạnh đầu tư nhằm phát huy vai trò của các chương trình đào tạo trung và ngắn hạn được thực hiện bởi các viện, trung tâm, hiệp hội và các công ty đào tạo. Các khóa học ngắn hạn này tập trung vào các mảng nghiệp vụ hoặc tác nghiệp chuyên biệt, phục vụ cho một nhiệm vụ cụ thể; cập nhật những kiến thức luật pháp trong nước và quốc tế về vận tải đa phương thức, các hoạt động chính của logistics và kỹ năng vận hành dịch vụ logistics cho nguồn nhân lực hiện có.
Nội dung, chương trình đào tạo cần nghiên cứu chương trình của những nước thành công trong hoạt động logistics để sàng lọc, bổ sung và chuẩn hóa chương trình của Việt Nam cho các cấp độ, chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ chuyên ngành.
Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành logistics cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia học tập, nâng cao trình độ. Việc học tập, cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm nên trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục./.